Tiếp tục tăng cường triển khai công tác phòng, chống sốt xuất huyết
Hàng năm, vào giai đoạn tháng 10, tháng 11 là thời điểm giao mùa, thời tiết mưa, nắng đan xen rất thuận lợi cho sự phát triển, sinh sản của muỗi, bọ gậy muỗi và thường là cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết tại khu vực miền Bắc. Tại Thái Bình theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trong tháng 10, số ca bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh tăng cao so với tháng 9, đặc biệt tại một số địa phương ghi nhận sự gia tăng đáng kể số ca mắc như: Tiền Phong, Bồ Xuyên, Kỳ Bá, Trần Lãm, Phú Xuân (thành phố Thái Bình), Tân Lập, Bách Thuận (Vũ Thư).
Nhân viên y tế phun khử khuẩn tại ổ dịch sốt xuất huyết.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, không để dịch lây lan, bùng phát và hạn chế tối đa số mắc, tử vong trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đề nghị các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh, tổ chức chính trị xã hội; UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh sốt xuất huyết. Tiếp tục chỉ đạo và triển khai thực hiện nội dung Công văn số 1958/SYT-NVY ngày 02/10/2024 của Sở Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh.
UBND huyện, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt các đơn vị, địa phương trong công tác tổ chức và triển khai các hoạt động xử lý ổ dịch, vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, tiêu diệt muỗi, bọ gậy muỗi trên địa bàn nhất là tại các khu vực nguy cơ cao có nhiều ca mắc sốt xuất huyết. Chỉ đạo rà soát, củng cố và bổ sung các điều kiện về nhân lực, trang thiết bị, hóa chất phòng, chống dịch sốt xuất huyết sẵn sàng cho các tình huống dịch bệnh theo phương châm “4 tại chỗ”.
Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng và UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo và triển khai thông tin, tuyên truyền về các biện pháp vệ sinh môi trường phòng, chống dịch sốt xuất huyết theo khuyến cáo của cơ quan y tế.
Các đơn vị y tế chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh ngoại cảnh hàng ngày, hàng tuần trong toàn đơn vị. Thực hiện thu gom và xử lý rác thải, phế thải trong khuôn viên đơn vị đúng quy định, không để tồn đọng là nơi muỗi, bọ gậy muỗi sinh sản, phát triển. Tăng cường tuyên truyền và yêu cầu nhân viên y tế, người lao động, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh và tiếp tục hỗ trợ các địa phương, đơn vị xử lý các ổ dịch nội sinh ngay khi phát hiện, không để lây lan, bùng phát. Thường xuyên cập nhật, phân tích, đánh giá nguy cơ dịch bệnh báo cáo Sở Y tế, UBND tỉnh chỉ đạo và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả.
Chủ động dự trù, tiếp nhận, cấp phát trang thiết bị, hoá chất diệt côn trùng và các sinh phẩm hỗ trợ hoạt động giám sát, xử lý ổ dịch sốt xuất huyết cho các đơn vị y tế. Xây dựng và cung cấp, phân phối các tài liệu truyền thông, cẩm nang phòng, chống sốt xuất huyết tới người dân trong cộng đồng đặc biệt là tại các khu vực nguy cơ cao với dịch bệnh. Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền thực hiện thu gom rác thải, phế thải, vệ sinh môi trường tại nơi ở, nơi làm việc; vệ sinh các dụng cụ chứa nước trong gia đình; chủ động diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy và tiêm chủng vắc xin để phòng, chống dịch bệnh.
Trung tâm Y tế huyện, thành phố chủ động báo cáo và tham mưu UBND các huyện, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Sốt xuất huyết, trong đó tập trung vào các hoạt động, chiến dịch vệ sinh môi trường, tiêu diệt muỗi, bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị điều trị trong hoạt động giám sát, phát hiện các ca bệnh, chùm ca bệnh Sốt xuất huyết mới trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo các trạm y tế xã, phường, thị trấn chủ động quản lý, giám sát các ca mắc sốt xuất huyết tại cộng đồng dân cư để có phương án xử lý ổ dịch. Dự trù và bảo đảm các điều kiện thực hiện điều tra, giám sát và xử lý dịch bệnh sốt xuất huyết tại địa phương. Tập trung hỗ trợ các địa bàn nguy cơ cao có nhiều ca mắc và ổ dịch mới. Phân công cán bộ chuyên môn phụ trách trực tiếp các địa phương này để hướng dẫn, hỗ trợ công tác đáp ứng và xử lý ổ dịch kịp thời.
Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về vệ sinh môi trường, các biện pháp phòng chống dịch Sốt xuất huyết trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các nhà trường và cộng đồng dân cư nhất là tại các địa bàn nguy cơ cao với sốt xuất huyết.
Các cơ sở khám, chữa bệnh khẩn trương rà soát, củng cố và bổ xung các phương án, điều kiện cần thiết để bảo đảmcông tác chẩn đoán, cách ly, thu dung và điều trị sốt xuất huyết trong tình huống dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh. Dự trù và đảm bảo đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí cấp cứu đặc biệt là dung dịch cao phân tử để chống sốc phục vụ công tác khám, điều trị sốt xuất huyết. Theo dõi sát diễn biến điều trị của bệnh nhân. Bố trí điều trị tích cực và chuyển tuyến kịp thời với các trường hợp nguy cơ để hạn chế tối đa ca bệnh diễn biến nặng, không để tử vong. Thường xuyên vệ sinh môi trường, thực hiện xử lý môi trường phòng chống muỗi tại khu vực điều trị nội trú nhất là khu vực điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết và các khu vực liên quan. Chủ động phối hợp chặt chẽ với trung tâm y tế huyện, thành phố trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trong hoạt động giám sát, xét nghiệm và phát hiện, quản lý các ca mắc, ca nghi mắc sốt xuất huyết điều trị tại đơn vị. Chủ động cập nhật đầy đủ, đúng hạn thông tin ca bệnh truyền nhiễm trên hệ thống phần mềm quản lý theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT.